Triết lý sống

Phàm làm việc gì trước phải suy xét đến hậu quả của nó
Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành.

Mong muốn lan man thì không thể nảy sinh cái tinh túy, vội tìm cái hiểm hóc thì không nắm được cái thực tình. Thời gian tuổi tác qua nhanh, ý chí cùng ngày tháng trôi đi trở thành khô héo, phần lớn không tiếp cận được với thời đại, rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa !

Sunday, December 26, 2010

Tạm biệt Milton Friedman, lý thuyết gia về thị trường tự do

Thứ tư, 22 Tháng mười một 2006, 16:30 GMT+7

Ngày 16/11 tại San Francisco, nhà kinh tế học lỗi lạc Milton Friedman, ông tổ của lý thuyết kinh tế thị trường tự do thời hậu chiến và là động lực chính để các quốc gia chuyển sang dựa nhiều hơn vào trách nhiệm cá nhân thay vì nhà nước, đã qua đời ở tuổi 94.


Các đồng nghiệp thuộc trường phái bảo thủ hay tự do đều xem ông Friedman, người đã đoạt giải Nobel như một trong những học giả kinh tế hàng đầu của thế kỷ 20, sánh ngang với những cây đại thụ trong lĩnh vực kinh tế như John Maynard Keynes và Paul Samuelson.

Theo Chủ tịch Cơ quan Dự trữ Liên bang Ben S. Bernanke thì “trong những học giả kinh tế cùng thời thì Milton Friedman không có đối thủ. Tư duy của ông có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn lên ngành kinh tế học tiền tệ đương đại.”

Hai ngày trước khi Friedman mất, cựu Chủ tịch Cơ quan dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan, đã nói về Friedman như sau: “Nhìn từ quan điểm dài hạn, chính những thành tựu hàn lâm của ông ta sẽ có ý nghĩa lâu dài. Nhưng tôi cũng không phủ nhận tác động sâu sắc mà ông ta đã tạo ra lên quan điểm của người dân Mỹ”.

Theo Greenspan, Friedman đã xuất hiện đúng lúc khi mà sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế về lý thuyết của Keynes, vốn rất có tác dụng từ thập niên 30, đã không thể lý giải tình trạng đình trệ kèm lạm phát của thập niên 1970.

Nhưng Greenspan cũng cho rằng Friedman đã nêu ra một lập luận chính trị phổ biến hơn, đó là: phải có tự do kinh tế thì mới có tự do chính trị.

Một nhà vô địch theo chủ nghĩa tự do

Tam biet Milton Friedman ly thuyet gia ve thi truong tu do

1Milton Friedman - nhà kinh tế học lỗi lạc, ông tổ của lý thuyết kinh tế thị trường tự do thời hậu chiến và là động lực chính để các quốc gia chuyển sang dựa nhiều hơn vào trách nhiệm cá nhân thay vì nhà nước. (Ảnh: Ideachannel.com)

Là một người theo chủ nghĩa tự do, Friedman vận động hợp pháp hóa các loại thuốc gây nghiện và phản đối công khai nền giáo dục công cộng và quyền lực của nhà nước trong việc cấp giấy phép cho bác sĩ, lái xe và các ngành nghề khác. Chính những quan điểm này đã khiến ông bị chỉ trích, nhưng Friedman vẫn không lung lay, ông lý luận rằng, việc cấm đoán, điều tiết hay cấp phép cho hành vi con người sẽ không có hiệu quả hoặc sẽ tạo ra những bộ máy quan liêu phi hiệu quả.

Friedman luôn cho rằng sự cạnh tranh tư nhân không bị ràng buộc sẽ tạo ra kết quả tốt hơn so với các hệ thống nhà nước. Khi bị cáo buộc là đã đi quá trớn với quan điểm chống sự can thiệp của nhà nước, ông nói “thế hệ nào cũng vậy, phải có một ai đó đi hết con đường, và đấy là lý do mà tôi tin tôi đang làm”.

Bất kể bị xem như là một kẻ ngoại đạo kinh tế, Friedman đã dự báo trong thập niên 60 rằng sự bùng nổ sắp kết thúc trước mắt. Ông dự kiến thất nghiệp sẽ tăng, và đồng thời lạm phát cũng tăng. Dự báo này đã trở thành hiện thực vào thập niên 70. Chính Paul Samuelson đã gọi hiện tượng này là đình trệ kèm lạm phát.

Sự phân tích và dự báo của Friedman được xem như một thành tựu tri thức đáng kinh ngạc, và đã góp phần giúp ông đoạt giải thưởng Nobel cho các lý thuyết tiền tệ của mình. Ông cũng được trích dẫn nhờ những phân tích về tiết kiệm của người tiêu dùng và nguyên nhân của thời kỳ Đại Khủng hoảng: ông chỉ trích Cơ quan dự trữ liên bang, cáo buộc cơ quan này đã đưa ra chính sách tiền tệ tồi và cho rằng họ đã không tận dụng được những cơ hội khôi phục từ rất sớm. Kể từ đó danh tiếng của Friedman và của Trường Chicago nổi như cồn, và phân tích của ông về thời kỳ khủng hoảng đã thay đổi cách tư duy về chính sách tiền tệ của Fed. Ngay cả các nhà lãnh đạo như Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quan điểm của ông.

Nhờ “cơ may”

Milton Friedman sinh ra ở Brooklyn ngày 31/07/1912, là con út và con trai duy nhất trong gia đình có bốn người con của ông Jeno S. Friedman và bà Sarah Landau Friedman. Cha mẹ ông sau một thời gian ngắn làm việc trong các xưởng sản xuất tồi tàn, đã chuyển gia đình đến Rahway, N.J., ở đây họ mở một cửa hàng bán quần áo.

Cha của Friedman mất khi ông đang học năm cuối ở trường Trung học Rahway. Chàng trai Milton sau đó đã đi làm bồi bàn và phụ việc trong các cửa hàng để kiếm tiền phụ thêm cho suất học bổng mà ông đã giành được tại Đại học Rutgers. Ông vào Rutgers năm 1929, năm mà thị trường chứng khoán sụp đổ và Giai đoạn Suy thoái bắt đầu.

Friedman cho rằng sự thành công của ông là do “cơ may” mà ra: Việc cha mẹ ông di cư ở tuổi thiếu niên khỏi Czechoslovakia (Tiệp Khắc), giúp ông trở thành một người Mỹ chứ không phải là công dân của một quốc gia thuộc khối Xô Viết; kỹ năng của một giáo viên hình học ở trung học, người đã chỉ cho ông biết sự kết nối giữa bài thơ ca ngợi chiếc bình sứ Hy Lạp (Ode to a Grecian Urn) của nhà thơ Keats với định lý Pythagore, giúp ông thấy được vẻ đẹp của toán học; việc nhận được suất học bổng giúp ông vào Đại học Rutgers nơi có hai giảng viên tên Arthur F. Burns và Homer Jones.

Friedman nói thầy Burns, sau này trở thành chủ tịch Cơ quan dự trữ liên bang, đã khơi gợi trong ông nỗi đam mê về sự toàn vẹn khoa học và tính chính xác của kinh tế học; Còn thầy Jones, lúc đó dạy ở Rutgers trong khi theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Đại học chicago, đã khiến cho Friedman chú ý đến chính sách tiền tệ và sự nghiệp tại trường cao học Chicago sau này.

Lớp học định mệnh trên tại Đại học Chicago cũng đưa Friedman đến với giáo sư Jacob Viner, người được xem là nhà lý thuyết và là nhà sử học lớn về tư duy kinh tế. Giáo sư Viner đã thuyết phục Friedman rằng lý thuyết kinh tế không nhất thiết là một tập hợp các định đề rời rạc, mà có thể được phát triển thành định hướng hành động lô-gíc và liền lạc.

Friedman giành được học bổng làm tiến sĩ tại Columbia, nơi chú trọng vào số liệu thống kê và bằng chứng thực tiễn. Ông học cùng với Simon Kuznets, một người Mỹ đoạt giải Nobel khác. Hai người đã biến luận án của Friedman thành cuốn sách có tựa đề “Thu nhập từ việc hành nghề chuyên môn độc lập”. Đây là cuốn sách đầu tiên trong số hơn mười cuốn mà Friedman đã viết một mình hoặc viết cùng với người khác.

Trong suốt hai năm đầu của Thế Chiến thứ II, Friedman là chuyên gia kinh tế của Vụ Thuế khóa thuộc Bộ Tài chính. Sau chiến tranh, Friedman trở lại Đại học Chicago, trở thành giáo sư thường trực vào năm 1984 và bắt đầu chiến dịch chống trường phái kinh tế học Keynes.

Được mệnh danh là người bài xích ý tưởng cũ, Friedman đã nói đúng về vấn đề kinh tế lớn lúc bấy giờ, đó là lạm phát. Và kiến nghị của ông, yêu cầu các thống đốc của hệ thống dự trữ liên bang giữ cung tiền tăng đều đặn mà không có biến động lớn – đã trở thành một phần quan trọng trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới trong thập niên 1980.

Nổi lên dưới thời Reagan

Nhưng sau giai đoạn đình trệ kèm lạm phát của những năm 1970, khi các công cụ của Keynes dường như đã tan vỡ hoặc lỗi thời, đặc biệt với sự đắc cử của Reagan vào Nhà Trắng, thì thời của Friedman đã đến. Sức mạnh và ảnh hưởng của ông đã được ghi nhận và chào đón ở Washington.

Cùng với vợ, bà Rose Director Friedman, năm 1978 ông tung ra cuốn sách được nhiều người quan tâm và bán chạy nhất tựa đề “Tự do chọn lựa”, và bắt đầu chuyến đi kéo dài 18 tháng, từ Hồng Kông qua Ottumwa, Iowa, để diễn thuyết rằng sự điều tiết và can thiệp của nhà nước chính là nguyên nhân đè nén xã hội hiện đại. Chuyến lưu giảng này đã trở thành nội dung chính và Friedman trở thành ngôi sao của loạt chương trình truyền hình cùng tên gồm 10 phần của đài PBS vào năm 1980.

Năm 1983, Friedman thôi giảng dạy và trở thành viện sĩ Viện Hoover tại Đại học Stanford. Năm năm sau ông được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống và Huân chương Khoa học Quốc gia.

Theo giáo sư Friedman, sự phát triển kinh tế những năm 80 là nhờ chính quyền Reagan giảm thuế suất và nới lỏng các qui định. Nhưng con nước lại đổi dòng. Ông cho rằng sự tăng trưởng này đã ngưng trệ khi Tổng thống George H. W. Bush áp dụng tăng thuế “đi ngược lại thời kinh tế Reagan”.

Vấn đề trở nên xấu đi vào giữa thập niên 80 khi ngành tài chính ngân hàng bắt đầu trải qua sóng gió và tiền bắt đầu chuyển dịch ngoài dự tính, những dự báo tiền tệ của riêng Friedman về điều gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế và lạm phát khi cung tiền gia tăng, đã không còn đúng. Sự tin tưởng vào lý thuyết tiền tệ của ông đã giảm dần.

Tuy nhiên, Friedman vẫn là ánh sáng dẫn đường cho những người theo phe bảo thủ ở Mỹ. Chẳng hạn chính ông đã tạo ra nền tảng lý thuyết kinh tế đằng sau “những hướng dẫn hành động” như trên, mà theo như ông thầy một thời của Friedman, giáo sư Jacob Viner đã nói thì giống như sự chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa trong đợt bầu cử Quốc hội 1994.

Đã từ lâu Friedman không còn bị gọi là kẻ ngoại đạo. W. Allen Wallis, bạn cùng lớp và sau này là là đồng nghiệp của Friedman tại Đại học chicago nói “điều thật sự quan trọng về ông là sự hiểu biết vô cùng căn cơ của ông, tài năng và sự kiên trì – đó là cách ông đi đến tận cùng của vấn đề, để nhìn chúng theo một hướng mới.”

Hoàng Nhi (Lược dịch từ bài viết của HOLCOMB B. NOBLE)
Việt Báo

No comments:

Post a Comment