Triết lý sống

Phàm làm việc gì trước phải suy xét đến hậu quả của nó
Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành.

Mong muốn lan man thì không thể nảy sinh cái tinh túy, vội tìm cái hiểm hóc thì không nắm được cái thực tình. Thời gian tuổi tác qua nhanh, ý chí cùng ngày tháng trôi đi trở thành khô héo, phần lớn không tiếp cận được với thời đại, rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa !

Tuesday, December 29, 2009

Trung Quốc tìm thấy mộ thật của Tào Tháo

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học Trung Quốc tin rằng họ đã tìm thấy lăng mộ gần 1.800 năm tuổi của Tào Tháo - nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc và cũng nhà thơ lớn thời Tam Quốc.

Lối vào lăng mộ được tin là của Tào Tháo.

Lăng mộ được phát hiện tại làng Xigaoxue thuộc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc. Nó nằm gần khu di tích tại Lạc Dương, nơi Tào Tháo đã cai trị nước Ngụy từ năm 208 cho đến năm 220 khi ông qua đời ở tuổi 65.

“Công tác khai quật đã diễn ra gần 1 năm nay và chúng tôi sẽ còn phát hiện thêm các bằng chứng. Nhưng dựa vào những gì mà chúng tôi đã thu được, chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng lăng mộ đó thuộc về Tào Tháo”, tờ China Daily dẫn lời quan chức Guan Qiang từ Ban di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc, cho biết.

Bên trong lăng mộ của Tào Ngụy.
Nhiều đồ vật được tìm thấy trong lăng mộ được miêu tả là các vật dụng cá nhân mà Tào Tháo từng sử dụng.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện quan tài của 3 người trong lăng mộ - một của người đàn ông khoảng 60 tuổi, được tin là Tào Tháo; một của phụ nữ khoảng 50 tuổi và người phụ nữ thứ 2 trong độ tuổi từ 20-25, được cho vợ của Tào Tháo và cô người hầu.

Một tấm bia đá khắc dòng chữ "Ngụy Vương" (tức Tào Tháo).
Lăng mộ được phát hiện khoảng 1 năm về trước nhưng chỉ được các nhà chức trách chú ý sau khi những phiến đá khắc các chữ “Ngụy Vương” (tức Tào Tháo) được tịch thu từ những kẻ trộm lăng mộ.

Cho tới nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 250 di vật từ ngôi mộ nằm trên diện tích rộng 740 m2, một khu vực thích hợp là nơi chôn cất cho một người có tầm cỡ như Tào Tháo.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 59 đĩa đá trên đó khắc tên và số lượng của các đồ vật được chôn trong mộ. 7 chiếc đĩa khác khắc tên của các vũ khí mà "Ngụy Vương” thường sử dụng. Một số lượng lớn các bức tranh khắc họa trên các đĩa đá hiện chưa được khai quật.

Vài đồ trang trí bằng đá mã não được tìm thấy trong lăng mộ.
Tào Tháo viết trong di chúc rằng ông muốn một nơi chôn cất đơn giản. Điều này phù hợp với sự thật là những bức tường bao quanh lăng mộ không được tô vẽ và không nhiều vật dụng quý được tìm thấy trong mộ. Vị trí của lăng mộ cũng phù hợp với các ghi chép lịch sử và các cuốn sách cổ từ thời Tào Tháo.

Lăng mộ đã bị bọn trộm đột kích vài lần trước khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật nó vào tháng 12/2008. Cảnh sát đang cố gắng tìm kiếm và thu hồi những đồ vật đã bị đánh cắp.

Chính quyền An Dương và Hà Nam đang có kế hoạch mở cửa lăng mộ để công chúng vào thăm.

Một tấm bia đá với các nét chạm khắc mô phỏng cuộc sống tại Trung Quốc cách đây gần 2.000 năm.
Tào Tháo (155-220) là một nhà chính trị lỗi lạc và nhà quân sự có tài. Ông đã lập nên nước Ngụy (với kinh đô ở Lạc Dương) - một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ kiệt xuất. Hiện một số bài thơ của ông vẫn được đưa vào sách giáo khoa dành cho học sinh trung học Trung Quốc.
Lịch sử Trung Quốc vốn có nhiều truyền thuyết về lăng mộ Tào Tháo, đặc biệt là truyền thuyết “72 ngôi mộ giả” được nhiều thế hệ người Trung Quốc truyền tụng. Vốn là người đa nghi, Tào Tháo đã tạo 72 ngôi mộ giả để tránh bị đào mồ. Hài cốt thực của Tào Tháo chôn ở đâu xưa nay vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất đã giúp vén màn bí ẩn lịch sử.

An Bình
Theo Xinhua, Dailyma