Chúng ta hãy xét một ví dụ đơn giản: một công ty sản xuất nước sốt cho món mì spaghett sử dụng $100 để mua cà chua, hành, tỏi, hạt tiêu..., nhập kho. Một tuần sau, công ty đã chế biến các thành phần này thành nước sốt và xuất kho. Tuần sau đó công ty kiểm tra xem hàng đã tới tay khách hay chưa. Như vậy lượng tiền trị giá $100 đã bị đọng trong vòng hai tuần chính là vốn lưu động của công ty. Nếu công ty thu hồi tiền từ khách hàng càng nhanh thì càng sớm tiến hành quay vòng sản xuất, mua các nguyên liệu mới để tiếp tục sản xuất. Nếu nguyên liệu mua về tồn trong kho cả tháng thì công ty sẽ bị đọng vốn trong thời gian đó và không thể sử dụng lượng tiền này để thanh toán các hóa đơn và các hoạt động đầu tư khác. Vốn lưu động cũng sẽ bị đặt trong tình trạng xấu nếu khách hàng không thanh toán đúng hạn hoặc nhà cung cấp đòi tiền gấp.
Vốn lưu động là một chỉ số liên quan đến lượng tiền một doanh nghiệp cần để duy trì hoạt động thường xuyên, hay nói một cách cụ thể hơn đó là lượng tiền cần thiết để tài trợ cho hoạt động chuyển hóa nguyên liệu thô thành thành phẩm bán ra thị trường. Những thành tố quan trọng của vốn lưu dộng đó là lượng hàng tồn kho, khoản phải thu, khoản phải trả. Các nhà phân tích thường xem xét các khoản mục này để đánh giá hiệu quả và tiềm lực tài chính của một công ty.
Nhóm tài sản ngắn hạn và các nghĩa vụ nợ ngắn hạn chứa ba loại tài khoản có vai trò đặc biệt quan trọng. Những tài khoản này đại diện cho những mảng trong doanh nghiệp mà nhà quản trị thường xuyên và trực tiếp phải quan tâm xử lý:
- Tài khoản phải thu (tài sản ngắn hạn);
- Hàng lưu kho (tài sản ngắn hạn), và;
- Tài khoản phải trả (nghĩa vụ nợ ngắn hạn)
Ngoài ra, những khoản nợ ngắn hạn cũng có vai trò không kém phần quan trọng bởi nó tạo thành một nghĩa vụ trong ngắn hạn của các tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Những dạng nợ ngắn hạn thường gặp là nợ ngân hàng và hạn mức tín dụng.
Thay đổi trong lượng vốn lưu động của doanh nghiệp sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến luồng tiền (hay người ta hay nói là lưu chuyển tiền tệ) của doanh nghiệp. Tăng vốn lưu động đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã sử dụng tiền để thanh toán, chẳng hạn cho việc mua hoặc chuyển đổi hàng trong kho, thanh toán nợ,... Như thế, tăng vốn lưu động sẽ làm giảm lượng tiền mặt doanh nghiệp đang nắm. Tuy nhiên, nếu vốn lưu động giảm, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có ít tiền hơn để thanh toán cho các nghĩa vụ nợ ngắn hạn, điều này có thể tác động gián tiếp, và thường khó lường trước, đến vận hành trong tương lai của doanh nghiệp.
Theo Investopedia, vốn lưu động là thước đo cho cả hiệu suất và sức mạnh tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp. Vốn lưu động giảm có thể được dịch ra thành nhiều nguyên nhân. Có thể là doanh nghiệp tập trung bán hàng tốt, nhưng họ phải chấp nhận bán chịu, chấp nhận khách hàng trả chậm quá nhiều. Có thể là do tiền bị ứ đọng lại ở hàng trong kho. Dù nghĩa này hay nghĩa kia, doanh nghiệp hiện tại vẫn thiếu tiền. Nếu đột ngột một ngày kia Coca-Cola phải đi vay Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam $500.000 chỉ để thanh toán cho một đối tác cung cấp nguyên liệu, khó có thể tưởng tượng câu chuyện sẽ được dịch ra theo hướng tích cực hay tiêu cực, và mức độ đến đâu, cho dù bản chất chỉ là họ chưa thu đủ tiền hàng và vay tạm vài tuần. Vấn đề ở chỗ, dấu hiệu của việc thiếu tiền ngắn hạn thường được dịch theo tín hiệu xấu nhiều hơn là tốt.
Khả năng quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp càng tốt thì nhu cầu vay nợ càng giảm. Ngay cả khi doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi thì việc quản lý vốn lưu động cũng rất cần thiết vì nó đảm bảo rằng lượng vốn nhàn rỗi này sẽ được đầu tư một cách hiệu quả nhất cho nhà đầu tư.
Trên thị trường không phải công ty nào cũng có đặc điểm tài chính như nhau. Các công ty bảo hiểm thường nhận được tiền phí bảo hiểm trước khi phải thanh toán bất kì khoản nào, tuy nhiên, công ty bảo hiểm sẽ khó lường trước được các khoản phí tổn mà họ sẽ phải chi trả một khi khách hàng khiếu nại. Tuy nhiên, một đại gia bán lẻ lớn như Wal-mart thường không phải bận tâm nhiều lắm đến khoản phải thu vì khách hàng phải thanh toán ngay khi mua hàng. Thay vào đó, hàng tồn kho lại là một vấn đề lớn đối với những tập đoàn bán lẻ, từ Wal-mart, Carre Four, Tesco cho đến Co.op Mart, Intimex hay G7 Mart. Nếu không đưa ra những dự báo chính xác về lượng hàng tích trong kho, họ có thể sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi trong thời gian rất ngắn. Việc xác định thời điểm cũng như tính chất phức tạp của việc thanh toán có thể khó khăn hơn ta tưởng. Các doanh nghiệp sản xuất thường phải chi một lượng tiền lớn để mua nguyên vật liệu và trả lương lao động trước khi nhận được bất cứ khoản thanh toán của khách hàng.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, sẽ là không thừa nếu các nhà đầu tư xem xét đến hiệu quả quản lý vốn lưu động của các công ty. Mỗi doanh nghiệp có thể đưa ra một con số doanh thu tuyệt vời, giá trị tài sản lớn, quy mô vốn đồ sộ... tuy nhiên độ lớn của các con số này không nói lên tất cả, và cũng không có nghĩa là doanh nghiệp đang nắm giữ rất nhiều tiền trong tay. Tiền của doanh nghiệp có thể đọng ở các khoản phải thu, vốn của doanh nghiệp biết đâu lại có lượng lớn là các khoản phải trả... Vì vậy xem xét một cách cẩn trọng các thông tin, chỉ số của doanh nghiệp trong đó có hoạt động quản lý vốn lưu động sẽ vô cùng có lợi cho bất cứ ai có ý định tiến hành đầu tư.
Các nhà đầu tư nên xem xét các công ty có sự chú trọng tới việc quản trị chuỗi cung cấp để đảm bảo rằng việc đầu tư của mình là tối ưu. DSO là một chỉ số tốt để Để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp, nhiều nhà phân tích thường sử dụng hệ số DSO-Days Sales Outstanding. DSO tính số ngày trung bình một doanh nghiệp cần để thu hồi tiền sau mỗi giao dịch bán hàng. Công thức tính DSO như dưới đây:
- Account Receivables: Tài khoản phải thu;
- Total Credit Sales: Tổng doanh thu trả chậm;
- Number of Days: Tổng số ngày thu hồi toàn bộ doanh thu trả chậm.
DSO cao nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều gian để lấy được doanh thu về tài khoản mình, ngược lại DSO thấp cho thấy năng lực quản lý các khoản trả chậm của doanh nghiệp là tốt.
Bên cạnh đó, tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho cũng là một công cụ hiệu quả để đánh giá hiệu quả quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp. Tỷ lệ này cho ta biết tốc độ bán hàng của doanh nghiệp, được tính bằng cách chia giá vốn hàng bán cho tổng giá trị hàng tồn kho (Cost of goods sold /Inventory). Nhìn chung, nếu tỉ lệ này ở mức cao tức là doanh nghiệp đang kinh doanh tốt. Đối với các nhà đầu tư, tốt hơn hết là nên so sánh tỉ lệ này với các công ty khác. Ví dụ xét trong một ngành có tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho 6 lần/năm, công ty nào chỉ đạt được tốc độ lưu chuyển 4 lần/năm có nghĩa là hoạt động kém hiệu quả so với các công ty đối thủ.
Dell - một trong những nhà cung cấp máy tính hàng đầu thế giới đã sớm nhận ra rằng cách tốt nhất để tăng giá trị cổ phiếu chính là quan tâm đến quản lý vốn lưu động. Hệ thống quản lý chuỗi cung cấp hàng đầu thế giới đảm bảo cho Dell có một tỷ lệ DSO thấp. Tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho được cải thiện giúp làm tăng đáng kể dòng tiền. Các nhân tố này đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Dell đồng thời tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với hãng.
"Cash is king" - đó là điều mà chắc không ai phủ nhận, và nó lại càng đúng hơn nữa trong giai đoạn mà việc huy động vốn là vô cùng khó khăn. Bỏ ngoài tai câu nói này có lẽ là một sơ suất không thể tha thứ được đối với bất cứ nhà đầu tư nào
Chúc cả nhà Saga mình vui!
www.saga.vn
No comments:
Post a Comment