Triết lý sống

Phàm làm việc gì trước phải suy xét đến hậu quả của nó
Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành.

Mong muốn lan man thì không thể nảy sinh cái tinh túy, vội tìm cái hiểm hóc thì không nắm được cái thực tình. Thời gian tuổi tác qua nhanh, ý chí cùng ngày tháng trôi đi trở thành khô héo, phần lớn không tiếp cận được với thời đại, rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa !

Thursday, April 14, 2011

EPS và những điều cần làm rõ

Trần Xuân Nam, Maastricht MBA

EPS là một trong những chỉ tiêu được sử dụng thường xuyên nhất đối với các nhà đầu tư, và cũng ảnh hưởng lớn đối với giá cổ phiếu công ty. Tuy nhiên chuẩn mực kế toán Việt Nam và các hướng dẫn về nó vẫn còn chưa đầy đủ cũng như việc triển khai thực hiện nó còn có nhiều vấn đề, mà kết quả là các nhà đầu tư nhận được các báo cáo tài chính mà EPS không chính xác và không đầy đủ. Tác giả Trần Xuân Nam đã giành cho ĐTCK bài viết này nhằm phân tích những bất cập đó, giúp bạn đọc, các nhà làm chuẩn mực kế toán Việt Nam có cái nhìn chính xác và đầy đủ hơn về EPS.

1. Tầm quan trọng của EPS:
EPS là một trong những chỉ tiêu được trích dẫn thường xuyên nhất trong phân tích tài chính vì chỉ số Giá Trên Thu nhập (Price/Earning-P/E) được sử dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn so sánh cho các quyết định đầu tư. Do vậy việc tính toán và trình bày EPS có thể có ảnh hưởng quan trọng đến giá cổ phiếu của công ty và do vậy thị trường cổ phiếu rất nhạy cảm với EPS. Giá thị trường có thể giảm khi EPS có xu hướng giảm và ngược lại. EPS còn được dùng như một công cụ để đánh giá việc thực hiện (performance) của ban điều hành công ty. Tiền thưởng của HĐQT, ban điều hành có thể trên cơ sở sự tăng trưởng EPS. Bởi vậy nó tạo một sức ép rất lớn đối với ban điều hành công ty trong việc tăng trưởng EPS. Ban điều hành cũng có thể cố tình tạo nên một kết quả EPS có lợi hơn cho mình và công ty. Khi nghiên cứu về EPS, chúng ta cần lưu ý mục tiêu chính của EPS là để đánh giá kết quả thực hiện của một công ty và nó đặc biệt quan trọng để 1) so sánh kết quả của một công ty qua các kỳ khác nhau và 2) so sánh việc thực hiện của vốn chủ sở hữu của một công ty với nó của một công ty khác.

2. Cách tính EPS cơ bản:

2.1. Công thức tính EPS cơ bản: Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 30 và chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 33, EPS cơ bản được tính theo công thức sau:

EPS cơ bản = [Tổng lãi/(lỗ) thuần thuộc các cổ đông phổ thông] / [Số bình quân gia quyền cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ]

a) Tử số: Theo thông tư số 21/2006/TT-BTC hướng dẫn chuẩn mực VAS 30, tổng số lãi thuần phân bổ cho các cổ đông phổ thông là lãi (lỗ) thuần sau thuế thu nhập doanh nghiệp trừ đi các số điều chỉnh giảm là cổ tức của cổ phiếu ưu đãi và cộng thêm các khỏan điều chỉnh tăng liên quan đến khoản chênh lệch mua cổ phiếu ưu đãi.
- Quỹ không thuộc cổ đông: Thông tư không đề cập đến việc phải điều chỉnh giảm các khoản lãi nhưng không dành cho cổ đông phổ thông như quỹ khen thưởng khách hàng, quỹ thưởng cho Hội Đồng Quản Trị, và đặc biệt là Quỹ Khen Thưởng Phúc Lợi dành cho nhân viên. Những khoản này theo chuẩn mực kế toán quốc tế nó được ghi nhận là các khoản chi phí để trừ ra khỏi lãi dành cho cổ đông. Các khoản này có lẽ ai cũng biết (trừ những người làm chế độ?) là nó không thuộc về cổ đông. Thông thường sau một năm hoạt động có lãi, các công ty thường dành khoảng 5-15% thậm chí 20% tổng số lãi thuần sau thuế để chi cho nhân viên dưới hình thức chia cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi. Ví dụ công ty chứng khoán SSI có lãi thuần sau thuế năm 2007 là 860 tỷđồng, theo quyết định của đại hội đồng cổ đông, công ty trích 20% tổng lãi thuần sau thuế (=172 tỷ) dành cho quỹ khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên. Điều này đồng nghĩa với việc lãi dành cho cổ đông để tính EPS thực chất chỉ còn lại là 688 tỷ (=860 -172) thay vì 860 tỷ.
- Quỹ Dự Phòng Tài Chính: Luật công ty trước đây bắt buộc công ty phải trích lập dự phòng tài chính, tuy vậy luật công ty mới không còn bắt buộc nữa. Quỹ dự phòng tài chính nếu có là một quỹ thuộc sở hữu của cổ đông phổ thông. Quỹ này được lập ra nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ và những người có quan hệ làm ăn với công ty. Nó ngăn chặn việc chia cổ tức quá mức. Khi công ty khó khăn tài chính, việc chia hết toàn bộ số lãi chưa phân phối (lưu giữ) lũy kế có được, có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho các chủ nợ. Sẽ là một sai lầm cơ bản nếu ai đó cho rằng quỹ này không thuộc các cổ đông và đề nghị điều chỉnh giảm quỹ này ra khỏi lãi khi tính EPS (như trong 2 bài liên tiếp trên báo Đầu tư Chứng Khoán số 73, 74 ngày 18 và 20/6 của hai tác giả Khoa Tài Chính Doanh Nghiệp, Trường Đại Học Kinh Tế TP. HCM.)

b) Mẫu số: Số bình quân gia quyền của các cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ, lưu ý:

2.2. Trường hợp gộp, chia tách và thưởng cổ phiếu: Thông tư 21 hướng dẫn chuẩn mực kế toán VAS 30 của Việt Nam đã đề cập khá rõ ràng là trong những trường hợp như vậy không có bất cứ một sự tăng, giảm về dòng tiền, hay tài sản và nguồn vốn đối với công ty. Bởi vậy trong những sự kiện đó thì cổ phiếu gộp, chia tách, thưởng mặc dù phát sinh bất cứ thời điểm nào trong kỳ cũng phải được tính vào ngày đầu tiên của năm báo cáo. Và cũng sẽ điều chỉnh tương ứng cho số cổ phiếu của những năm trước để có tính so sánh giữa các năm. Mặc dù thông tư 21 không đề cập đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (stock dividend), nhưng bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng giống như thưởng cổ phiếu (bonus issue), điều này được ghi rất rõ trong chuẩn mực kế toán quốc tế. Đề nghị hướng dẫn kế toán Việt Nam nên bổ sung việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để việc thực hiện tại các công ty dễ dàng hơn.
Ví dụ: công ty A có 10 triệu cổ phiếu, ngày 30.6.08 công ty quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tức 100 cổ phiếu hiện hữu được chia 20 cổ phiếu mới.
Tính EPS năm 2008 và EPS tương ứng năm 2007 nếu tổng số lãi của A năm 2008 và 2007 tương ứng là 40 tỷ và 34 tỷ đồng. Kỳ kế toán là 1.1 đến 31.12 hàng năm.

Giải: Năm 2008 Năm 2007
1. Lãi thuần sau thuế (triệu đ) 40.000 34.000
2. Số cổ phiếu đầu kỳ (ngày 1.1), (triệu) 10 10
3. Cổ phiếu thưởng phát hành (triệu) 2* 2 **
4. Tổng số cổ phiếu lưu hành bq (triệu) 12 12
5. EPS cơ bản (=(1)/(4)) 3.333 đ/CP 2.833 đ/CP

* Mặc dù thưởng hay chia cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện ngày 30.6.2008 nhưng khi lập báo cáo tài chính năm 2008, công ty sẽ phải tính số cổ phiếu tăng thêm ngay từ ngày đầu năm 1.1.2008. Nếu lập cho báo cáo quý 2 năm 2008, tính EPS của 4 quý gần nhất cho đến ngày 30.6.2008 thì số cổ phiếu tăng thêm này được tính từ ngày 1.7.2007 nghĩa là ngày đầu tiên của năm cho 4 quý gần nhất.
* * Trong báo cáo tài chính năm 2008, để thấy được xu hướng EPS qua các năm, chúng ta phải điều chỉnh lại EPS năm 2007 và các năm trước đó bằng cách tăng số cổ phiếu thưởng của năm 2008 vào cả năm 2007 và các năm trước đó. Nếu không điều chỉnh số 2 triệu cổ phiếu thưởng cho năm 2007, thì EPS gốc 2007 là 3.400 đ/CP (=34tỷ/10 triệu CP) cao hơn so với năm 2008, nó không phản ánh đúng xu hướng EPS.

2.3. Phát hành quyền mua (Rights Issue): Đó là phát hành quyền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn giá thị trường hiện tại. Do vậy ở đây đã bao gồm một yếu tố thưởng. Để tính được EPS khi có phát hành quyền mua, đầu tiên chúng ta cần tính giá quyền mua lý thuyết (Theoretical ex-rights price).
Ví dụ: Công ty HAP có 3.850.250 cổ phiếu đang lưu hành từ đầu năm 2006. Ngày 16/6/2006 HAP phát hành thêm 1.925.125 cổ phiếu (cứ hai cổ phiếu hiện hữu được quyền mua 1 cổ phiếu mới) với giá 25.000 đ/cp. Giá cổ phiếu ngày cuối cùng chốt danh sách phát hành ngày 15/6/2006 là 55.000đ/cp.Yêu cầu tính:
1. Giá lý thuyết quyền mua 1 cổ phiếu?
2. EPS năm 2006? Biết rằng lãi thuần sau thuế năm 2006 là 16 tỷ đồng.
3. Tính EPS điều chỉnh cho năm 2005 và 2004? Biết rằng lãi thuần năm 2005 là 14,58 tỷ và EPS gốc năm 2004 là 4,492 đ/cp.

Lời giải:

1. Giá lý thuyết quyền mua 1 cổ phiếu được tính:
- Trước khi phát hành: 2 CP x giá 55.000 đ/CP = 110.000 đ
- Phát hành quyền mua: 1 CP x giá 25.000 đ/CP = 25.000 đ
- Giá trị lý thuyết của 3 CP (=110.000 + 25.000) = 135.000 đ
- Giá quyền mua lý thuyết mỗi CP bình quân =135.000 đ/3 = 45.000 đ/CP.

2. Tính EPS cho năm 2006:
- Số cổ phiếu trước ngày phát hành quyền mua là 3.850.250 CP sẽ được nhân với tỷ lệ giữa giá thị trường ngày cuối cùng trước khi phát hành (55.000đ/CP) và giá lý thuyết quyền mua (45.000đ/CP)
- Số cổ phiếu bình quân của cả năm được tính theo 2 giai đoạn là:
Giai đoạn trước khi phát hành cổ phiếu giá thấp. Vì nó có yếu tố thưởng do vậy giống như việc tính EPS điều chỉnh cho việc thưởng cổ phiếu nêu ở trên, chúng ta phải nhân số cổ phiếu với hệ số thưởng này. Hệ số thưởng bằng:

Giá thị trường ngày cuối trước khi chốt sổ phát hành/Giá quyền mua lý thuyết = 55/45

Như vậy số cổ phiếu bình quân của cả năm sẽ được tính như sau:
+ Giai đoạn 1: từ 1/1-15/6/2006, tức 5,5 tháng:
3.850.250 cp x 5,5 tháng/12 tháng x 55/45 = 2.156.853 cp
+ Giai đoạn 2: từ 15/6-31/12/2006 tức 6,5 tháng:
(3.850.250 + 1.925.125) x 6,5 tháng/12 tháng = 3.128.328 cp
Tổng số cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm = 5.285.181 cp
- EPS năm 2006 = 16 tỷ/ 5.285.181 cp = 3.027 đ/cp
Lưu ý: Nếu tính theo quy đinh hiện hành, số cổ phiếu giai đoạn 1 không điều chỉnh nhân với hệ số thưởng 55/45 do vậy số cổ phiếu chỉ là 3.850.250 cp x 5,5 tháng/12tháng = 1.764.698 CP nên tổng số cổ phiếu bình quân năm 2006 sẽ là 4.893.026 cp (=1.764.698+3.128.328). Do vậy EPS 2006 tính theo cách không điều chỉnh hệ số thưởng sẽ là: 6 tỷ/4.893.026 = 3.270 đ/CP

3. Tính EPS điều chỉnh cho năm 2005 và năm 2004 (Khi lập báo cáo năm 2006 để so sánh với năm 2005, 2004):
- EPS điều chỉnh = EPS gốc x [Giá quyền mua lý thuyết/Giá thị trường ngày cuối trước khi phát hành mới]
Lưu ý: Hệ số điều chỉnh này là đảo ngược của hệ số điều chỉnh số cổ phiếu ở phần 2.
- EPS gốc năm 2005 = 14,58 tỷ đ/ 3.850.250 cp = 3.787 đ/cp
- EPS điều chỉnh năm 2005 = 3.787đ/cp x 45/55 = 3.098 đ/cp
- EPS điều chỉnh năm 2004 = 4.492 đ/cp x 45/55 = 3.675 đ/cp
Khi phân tích tăng trưởng EPS các năm, nhà đầu tư cần phải so sánh các EPS đã điều chỉnh chứ không phải so sánh EPS gốc.

3. EPS pha loãng (Diluted EPS):
Tại sao phải cần EPS pha loãng? Cuối kỳ kế toán, một công ty có thể có một số chứng khoán mà nó ở thời điểm hiện tại chưa có quyền được đòi chia lãi như cổ phiếu phổ thông, nhưng nó sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong tương lai. Những chứng khoán này bao gồm: 1) các trái phiếu chuyển đổi hoặc các cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi mà chúng cho phép chủ sở hữu nó có quyền, ở một ngày tương lai, được chuyển đổi những chứng khoán này thành các cổ phiếu phổ thông, với một tỷ lệ chuyển đổi đã định sẵn. 2) các hợp đồng lựa chọn (options hoặc Warrants). Trong những trường hợp này, số cổ phiếu phổ thông có thể được tăng lên, dẫn đến việc giảm
EPS hay EPS bị pha loãng. EPS pha loãng sẽ chỉ cho các nhà đầu tư những ảnh hưởng có thể có của việc pha loãng EPS trong tương lai, rất cần thiết cho quyết định đầu tư.

Tính EPS pha loãng:
- Lãi: Lãi dùng để tính EPS cơ bản được điều chỉnh bởi các ảnh hưởng sau thuế của các khỏan:
a) Các khoản lãi suất tiền vay trong kỳ của các trái phiếu chuyển đổi tiềm năng
b) Các khoản cổ tức của các cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi tương lai mà chúng đã được trừ ra khỏi khi tính lãi cho EPS cơ bản.
c) Các khoản thay đổi khác trong thu nhập vàchi phí (phí, chiết khấu, tiền thưởng) mà chúng là kết quả của việc chuyển đổi các trái phiếu chuyển đổi hay cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
- Số cổ phiếu: Số bình quân gia quyền của số cổ phiếu phổ thông dùng để tính EPS cơ bản cộng với bình quân gia quyền của các cổ phiếu phổ thông mà chúng sẽ được phát hành từ việc chuyển đổi tất cả các trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi thành các cổ phiếu phổ thông. Chúng ta giả định các cổ phiếu tiềm năng này sẽ được chuyển đổi thành các cổ phiếu phổ thông vào ngày đầu tiên của kỳ báo cáo.

Ví dụ: Ngân hàng ABC năm 2007 có lãi thuần sau thuế là 1.680 tỷ đồng và có khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân là 198,8 triệu CP, EPS cơ bản năm 2007 là 8.451 đ/CP. ACB đã phát hành hai đợt trái phiếu chuyển đổi với tổng số tiền là 1.900 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm và sẽ chuyển đổi thành 190 triệu cổ phiếu phổ thông trong vòng 2-5 năm tới. Tỷ lệ thuế TNDN là 28%. Tính EPS pha loãng của ACB.

Giải:

1. Tính số cổ phiếu phổ thông: 198,8 triệu + 190 triệu = 388,8 triệu CP.

2. Tính số lãi thuần :
Số lãi hiện tại 1.680 tỷ
Cộng lãi suất tiền vay tiết kiệm (1.900 tỷ x 10%) = + 190 tỷ
Trừ thuế TNDN trên phần lãi vay (190 tỷ x 28%) = - 53,2 tỷ
Lãi thuần sau điều chỉnh 1.816,8 tỷ

3. EPS pha loãng = 1.816,8 tỷ/ 388,8 triệu CP = 4.673 đ/cp
Như vậy EPS pha loãng thấp hơn so với EPS cơ bản là 3.778 đ/CP (=8.451 – 4.673)

4. Trình bày EPS: Ở chuẩn mực kế toán Việt Nam chỉ mới đề cập đến tên gọi EPS pha loãng chứ chưa có hướng dẫn về cách tính và trình bày. Các công ty vì vậy chưa báo cáo EPS pha loãng. Điều này làm cho các nhà đầu tư phải đọc các báo cáo tài chính không đầy đủ và do vậy có thể ảnh hưởng lớn đến các quyết định đầu tư của họ.
- Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, chúng tôi đề nghị Bộ Tài Chính, UBCK NN, Sở GDCK TP HCM và TT GDCK Hà Nội cần có hướng dẫn rõ ràng cách tính EPS cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 33 yêu cầu bắt buộc báo cáo lãi lỗ của các công ty phải trình bày cả hai chỉ tiêu EPS cơ bản và EPS pha loãng trên bề mặt của Báo Cáo Kết Quả Kinh Doanh với mức độ nổi bật như nhau.
- Báo cáo tài chính hàng quý cũng cần phải được trình bày tương tự như đã nói ở trên. Đặc biệt lưu ý các khỏan lãi không thuộc cổ đông như Quỹ khen thưởng, phúc lợi cần phải được ghi giảm khỏi lãi để tính EPS ngay trong các báo cáo quý chứ không đợi đến cuối năm. Đầu năm, Đại hội đồng cổ đông thường niên đã đưa ra kế hoạch phân phối lãi cho năm tới (mặc dù chưa chính thức). Ví dụ công ty S đưa ra nguyên tắc trích 10% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ khen thưởng phúc lợi. Nếu trong quý 1, công ty S có llãi sau thuế 100 tỷ, thì báo cáo kế qủa nên trình bày thêm dòng”Lãi không dành cho cổ đông” hoặc cụ thể là: “Lãi dành cho quỹ khen thưởng phúc lợi” 10% x 100 = 10 tỷ, Lãi dành cho cổ đông (để tính EPS) là: 100 tỷ-10tỷ= 90tỷ.

No comments:

Post a Comment