Triết lý sống

Phàm làm việc gì trước phải suy xét đến hậu quả của nó
Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành.

Mong muốn lan man thì không thể nảy sinh cái tinh túy, vội tìm cái hiểm hóc thì không nắm được cái thực tình. Thời gian tuổi tác qua nhanh, ý chí cùng ngày tháng trôi đi trở thành khô héo, phần lớn không tiếp cận được với thời đại, rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa !

Wednesday, June 8, 2011

Warren Buffett và bài học từ lỗ hổng trong đạo đức kinh doanh


Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta thường có xu hướng lờ đi những hành vi vi phạm đạo đức của người khác trong trường hợp hành động này mang lại lợi ích cho bản thân.

Tháng Một năm nay, David Sokol đã mua gần 10 triệu USD cổ phiếu của công ty hóa chất Lubrizol và sau đó đề xuất với Berkshire mua lại công ty này.

Sokol cho rằng ông không hề biết liệu Berkshire có thâu tóm Lubrizol như kế hoạch không và phủ nhận việc giao dịch nội gián. Nhưng rõ ràng Sokol đã nắm được những thông tin nội tình có lợi cho khoản đầu tư của mình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng với việc luôn yêu cầu thực thi chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, lại không có sự can thiệp thích đáng khi biết đến việc mua cổ phiếu của Sokol trước đó.

Phải chăng Buffett đang đi ngược với các nguyên tắc đạo đức của mình. Hay theo như Berkshire, thì Buffett hoàn toàn không có lỗi trong vụ này.

Cả hai kết luận trên đều không chính xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta thường có xu hướng lờ đi những hành vi vi phạm đạo đức của người khác trong trường hợp hành động này mang lại lợi ích cho bản thân.

Sự thất bại trong việc giám sát nhân sự này gọi là “motivated blindness” (tạm dịch: động cơ ngầm), xảy ra khá phổ biến và không thể lường trước được. Khi Buffett được Sokol thông báo về việc sở hữu cổ phiếu Lubrizol, có lẽ Buffett đã không cố tình lờ đi những dấu hiệu vi phạm nguyên tắc đạo đức, mà đơn giản bởi ông không hề nhận ra chúng.

“Động cơ ngầm” không chỉ thấy trong trường hợp của Buffett, mà còn thấy ở nhiều trường hợp các công ty kiểm toán gặp thất bại trong việc chỉ ra sai phạm sổ sách của các công ty được kiểm toán.

Ngoài ra, “động cơ ngầm” cũng giải thích cho vấn đề đánh giá sai lệch chứng khoán tại các tổ chức xếp hạng tín dụng hiện nay.

Có thể thấy nhiều động cơ để kiểm toán viên lờ đi những sai phạm của công ty khách hàng như việc họ muốn giữ chân khách hàng, hoặc muốn bán các dịch vụ tư vấn đi kèm hoặc thậm chí là để được nhận việc trong chính công ty đó. Kiểm toán viên hoạt động theo nguyên tắc kiểm toán độc lập, tuy nhiên dưới những yêu cầu phải làm hài lòng khách hàng thì sự độc lập khó mà tồn tại được.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính có quyền chọn tổ chức trung gian để xếp hạng chứng khoán cho mình, điều này càng khuyến khích việc đánh giá lỏng lẻo, thiếu chính xác.

Để tìm giải pháp cho vấn đề chính trực trong hoạt động tài chính, cần phải nhấn mạnh rằng “động cơ ngầm” có thể tác động tới bất cứ ai. Trong trường hợp các xung đột lợi ích xảy ra thì yêu cầu về chính trực trong kinh doanh khó mà thực hiện được.

Để có sự khách quan trong mọi quyết định về quản lý và điều hành cần phải đưa ra các quy tắc để tránh xung đột lợi ích.

Xét cho cùng, kiểm toán viên không nên bị tác động bởi bởi việc phải làm hài lòng khách hàng, họ chỉ cần tập trung vào công việc kiểm toán. Còn các tổ chức xếp hạng tín dụng cần có các biện pháp cải tổ hoạt động để loại trừ góc khuất tránh việc vi phạm nguyên tắc đạo đức. Cuối cùng, Warren Buffett với tư cách là người quản lý cần lưu tâm đến tham vọng của cấp dưới cũng như các thương vụ có thể làm họ mờ mắt mà làm trái lại các nguyên tắc đạo đức kinh doanh của công ty.

Lê Mai
Theo Harvard Business Review

No comments:

Post a Comment